Đi trái chiều

  29/01/2016

(TBKTSG) - Mỗi năm có khoảng 4.300 người Việt chết yểu do tác hại của khí thải từ nhiệt điện than. Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện cho Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã đưa ra con số gây giật mình tại hội thảo “Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết” do GreenID tổ chức hôm 29-9 vừa qua, dựa trên kết quả nghiên cứu tại Việt Nam do nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard lần đầu công bố. Cũng theo nghiên cứu này, riêng năm 2010, trên toàn thế giới có 3,2 triệu người chết liên quan đến nhiệt điện than thì Việt Nam có 31.000 người. Dự báo, khí thải than ở Việt Nam sẽ còn tăng gấp 3 lần vào năm 2030 và lượng khí thải này có thể dẫn tới cái chết của hơn 25.000 người mỗi năm nếu không được cắt giảm.

Ngoài số người chết yểu vì nhiệt điện than còn phải tính đến chi phí y tế khổng lồ phải bỏ ra để điều trị các ca bệnh liên quan đến khí thải. Các căn bệnh chủ yếu do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than gồm: đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, ung thư phổi, bệnh đường hô hấp, viêm đường hô hấp dưới và các bệnh đường tim mạch khác.Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ấy vậy mà, theo Quy hoạch phát triển ngành than và ngành điện (Quy hoạch điện VII) cho giai đoạn 2011-2020, triển vọng đến 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 48% trong cơ cấu nguồn điện và đến năm 2030 thì chiếm đến 51,6%.

Theo quy định, tất cả các nhà máy nhiệt điện trước khi xây dựng đều phải có đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt, tuy nhiên chủ đầu tư có tuân thủ hay không lại là chuyện khác.

Thực tế, ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện than, chủ đầu tư không tuân thủ quy định, dẫn đến những hệ quả nguy hại về môi trường, sức khỏe dân cư, điển hình như ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khiến người dân trong khu vực trong cơn bức xúc cao độ đã kéo ra quốc lộ phản đối mới đây. Ông Sính tỏ ý lo ngại rằng, trong khi ngành năng lượng thế giới chuyển mình từ việc tập trung khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo thì Việt Nam lại đang đi trái chiều.

Nhưng nào phải chỉ có việc phát triển nhiệt điện than đang đi trái chiều thế giới. Trong nhiều lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm..., trong khi thế giới văn minh đang tiến tới chỗ ngày càng sạch hơn, xanh hơn thì người Việt, vì ham rẻ hoặc vì nhắm mắt trước cái lợi trước mắt mà vứt bỏ lương tâm, đã tự đầu độc mình và đầu độc người khác bằng đủ các thứ hóa chất độc hại mà Nhà nước bất lực không sao kiểm soát được. Những tin tức liên tục về trái cây, rau xanh, cá biển, heo bò... - những thứ ta bỏ vào bụng hàng ngày - bị phun, ngâm, chích hóa chất, thuốc tạo nạc... gây một nỗi bất an, nỗi sợ ngày càng lớn trong xã hội và khiến người ta không còn biết tin vào đâu để sống mà chỉ biết phó mặc cho may rủi.

Để phát triển, có lúc phải đánh đổi, có những cái giá phải trả. Nhưng có những cái giá lớn đến mức mà nếu những người có quyền quyết định không đủ sáng suốt, không đủ ý chí thay đổi phương thức phát triển dựa vào tài nguyên và công nghệ lạc hậu hoặc không đủ cái tâm vì lợi ích tối thượng của người dân, của giống nòi để cân nhắc thì sẽ dẫn đến thảm họa lâu dài. Về phía doanh nghiệp và người dân, việc theo đuổi lợi ích của mình bất chấp thiệt hại gây ra cho cộng đồng cũng sẽ dẫn đến thảm họa chung. Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cực kỳ cao ở Việt Nam hoặc sự xuất hiện của những ngôi làng ung thư là một trong những thảm họa như vậy.

Ở Việt Nam, vì nhiều lý do, chưa thấy xuất hiện một Erin Brockovich (một nhân vật trong bộ phim cùng tên của Mỹ phát hành năm 2000) dũng cảm đấu tranh đến cùng để ngăn chận những thảm họa sức khỏe gây ra cho cộng đồng từ các dự án phát triển không bảo đảm yếu tố môi trường. Nhưng rải rác đã xuất hiện những vụ người dân tự phát tụ tập để phản đối những dự án gây tác hại tới sức khỏe và môi trường đến mức họ không còn chịu đựng nổi. Thiết tưởng, các nhà quản lý cần coi đó là những cảnh báo nghiêm túc để sớm có quyết tâm và đề ra lộ trình cho việc chuyển đổi phương thức phát triển, thay vì tìm cách đối phó cho được việc trước mắt. 

 

Bình luận

Tin tức mới

Xem tất cả